song
Sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX: Các tiểu ban làm việc hiệu quả, tạo tiền đề cho vòng chung khảo
Ngày xuất bản: 14/05/2025 10:29:34 SA
Lượt đọc: 10

 Vòng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX - năm 2024 vừa khép lại, hé lộ bức tranh toàn cảnh về sự nỗ lực và tâm huyết của giới báo chí Việt Nam trong một năm đầy biến động.

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia tổ chức họp tổng kết vòng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIX - năm 2024. Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo chủ trì cuộc họp.

Chất lượng tác phẩm nổi bật giữa nhiều thách thức

Báo cáo tại cuộc họp tổng kết vòng Sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX, ông Trần Thái Sơn, Trưởng ban thư ký tổng hợp giải cho biết, số lượng tác phẩm tham dự đạt con số ấn tượng 1970, với 1913 tác phẩm đủ điều kiện xét duyệt. Điều này không chỉ khẳng định sức hút bền bỉ của giải thưởng mà còn cho thấy sự gắn bó sâu sắc của đội ngũ những người làm báo với các vấn đề thời sự của đất nước.

 

Quang cảnh cuộc họp.

Điểm sáng trong mùa giải năm nay chính là chất lượng tác phẩm được đánh giá có chiều sâu và bám sát thực tiễn. Ông Trần Thái Sơn nhấn mạnh: "Hầu hết các tác phẩm đã thể hiện rõ tính thời sự, đi vào những điểm nóng của năm 2024 trên mọi lĩnh vực. Điều đáng ghi nhận là nhiều tác phẩm đã có sự đầu tư công phu, không chỉ phản ánh mà còn phát hiện những vấn đề mới, đưa ra những phân tích sắc sảo, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời đề xuất những giải pháp mang tính kiến tạo”.

Thông qua vòng chấm sơ khảo cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giới báo chí đến các chủ đề lớn như công cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh quốc tế phức tạp, tiến trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước cũng được phản ánh một cách trang trọng và ý nghĩa.

 

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Hànộimới phát biểu tại sự kiện.

Một yếu tố đáng chú ý khác được ông Trần Thái Sơn nhắc đến là sự dấn thân của nhiều phóng viên vào các vấn đề xã hội bức thiết, từ những hệ lụy của thiên tai, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường đến các vụ việc tiêu cực, những nghịch lý trong đời sống. Đồng thời, những câu chuyện về những tấm gương người tốt, việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp cũng được khắc họa một cách xúc động, lan tỏa những giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Thái Sơn cũng không né tránh những tồn tại và hạn chế ở từng loại hình báo chí. Vẫn còn những tác phẩm đi theo lối mòn, thiếu sự đột phá trong cách thể hiện, hoặc chưa đi sâu vào phân tích, liên hệ với thực tiễn đời sống. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao về sự đổi mới và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ những người làm báo.

Đầu tư cho chất lượng và đổi mới

Để nâng cao chất lượng giải thưởng trong tương lai, Ban tổ chức đã ghi nhận nhiều kiến nghị từ các thành viên tiểu ban sơ khảo. Các đề xuất tập trung vào việc siết chặt công tác sơ tuyển ở cấp cơ sở, đổi mới hình thức nộp tác phẩm ảnh báo chí theo hướng trực tuyến, tăng cường đầu tư cho các tác phẩm báo in chất lượng cao, làm rõ các tiêu chí đánh giá đối với các thể loại báo chí mới và đề xuất vinh danh những tác phẩm có tác động xã hội đặc biệt.

 

Ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập VOV nhận xét về các tác phẩm hạng mục Giải Chương trình phát thanh tổng hợp, toạ đàm, phóng sự, phóng sự tài liệu, phóng sự điều tra (phát thanh).

Theo đó, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Hànộimới, thành viên Tiểu ban 1 về Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn (báo in) đánh giá, khối cơ quan báo chí Trung ương có số lượng, chất lượng các tác phẩm tham gia khá tốt, đồng đều. Khối cơ quan báo chí địa phương có nhiều bài chất lượng, được đầu tư viết khá công phu, bài bản, bám sát các vấn đề thời sự của địa phương, của đất nước, có tính thực tiễn phong phú. Một số loạt bài viết kỹ lưỡng, lập luận chắc chắn, có sức thuyết phục, dẫn chứng tại địa phương, đơn vị.

Những tác phẩm có chất lượng cao đã nêu được những dự báo, kiến nghị, giải pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và có hiệu ứng xã hội tốt.

Đối với mảng phát thanh, ông Nguyễn Vũ Duy, Trưởng ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), đánh giá cao sự đa dạng trong phản ánh và việc khai thác hiệu quả tính đặc thù của âm thanh, mang đến trải nghiệm thính giác ấn tượng. Tuy nhiên, ông lưu ý đến vấn đề thời lượng dư thừa và sự thiếu liên kết nội dung ở một số tác phẩm.

Đồng quan điểm, ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập VOV cũng nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao tính hàm súc trong các tác phẩm phát thanh. Bên cạnh đó, ông kiến nghị, Ban Tổ chức xem xét đưa thể loại podcast vào danh sách chấm giải trong những mùa tiếp theo để khuyến khích sự phát triển của báo chí âm thanh.

 

Bà Tạ Bích Loan - Trưởng tiểu ban Bình luận, chuyên luận, giao lưu toạ đàm - truyền hình chia sẻ ý kiến.

Ở lĩnh vực truyền hình, bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng Ban Chuyên đề - Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), đã đưa ra nhận xét: "Chất lượng hình ảnh đã có sự cải thiện đáng kể, và việc sử dụng âm thanh hiệu quả cũng là một điểm sáng”. Tuy nhiên, bà Hà chỉ rõ hạn chế trong sự thiếu đa dạng và đột phá đề tài, vẫn còn lặp lại những chủ đề quen thuộc. Bà nhấn mạnh sự cần thiết của những phát hiện mới, góc nhìn độc đáo và các tác phẩm đi sâu phân tích, giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Trong khi đó, theo bà Tạ Bích Loan, việc tập trung vào thể loại giao lưu tọa đàm truyền hình: "So với các năm trước, số lượng tác phẩm giao lưu tọa đàm truyền hình là khá nhiều, với sự đầu tư công phu về kịch bản, khách mời và kết cấu, thể hiện sự bám sát của phóng viên”. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra những điểm yếu, vẫn còn tình trạng dễ dãi trong việc lựa chọn khách mời, dẫn đến việc một số gương mặt xuất hiện quá nhiều trên sóng. Nhiều MC, dẫn chương trình còn thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa thực sự dẫn dắt và kết nối hiệu quả…

 

Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet phát biểu.

Về các loại hình mới là báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet, đánh giá dù là lần đầu tiên, số lượng tác phẩm đa phương tiện (102) và sáng tạo (28) gửi về là khá khích lệ, với sự tham gia tích cực từ báo chí địa phương và nhiều tác phẩm có đầu tư. Song, ông chỉ rõ: "Vẫn còn nhiều tác phẩm chưa thực sự đa phương tiện, chỉ là tin hoặc video đơn thuần. Một số đơn vị lại nhầm lẫn các hoạt động ngoài báo vào thể loại sáng tạo do thiếu hướng dẫn cụ thể”.

Từ đó, ông Bá kiến nghị, cần có tiêu chí cụ thể và đầy đủ hơn cho báo chí đa phương tiện (mức độ đầu tư, hiệu ứng đồ họa, tương tác...). Các tác phẩm tin, phóng sự video trên báo điện tử nên được chấm ở nhóm phù hợp (truyền hình, báo điện tử) thay vì chuyển sang đa phương tiện.

 

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo nhận định, vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Hội đồng Sơ khảo ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm của các đồng chí trong các tiểu ban, những người đã thực hiện nghiêm túc chức năng và vai trò của mình. Các tiểu ban đã làm việc hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và hoàn thành công việc đúng tiến độ. Kết quả này tạo tiền đề quan trọng cho vòng chung khảo sắp tới.

Ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, đại diện các tiểu ban đã có những nhận xét xác đáng, chỉ ra cả những mặt tích cực và những hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Hội đồng Sơ khảo đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, xây dựng của các tiểu ban trong việc chỉ ra những điểm cần cải thiện.

“Đặc biệt, một số đề xuất mang tính đổi mới, cải cách trong công tác chấm giải thời gian tới sẽ được chúng tôi ghi nhận, nhất là đối với các thể loại báo chí mới như báo chí sáng tạo, đa phương tiện và báo ảnh. Chúng tôi tin rằng, những ý kiến đóng góp này sẽ giúp Giải Báo chí Quốc gia ngày càng hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn sự phát triển của báo chí hiện đại”, ông Lợi khẳng định.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải