song
Tương lai của tin tức số với yêu cầu về nội dung, nền tảng và sự tin cậy
Ngày xuất bản: 25/06/2025 12:00:00 SA
Lượt đọc: 600

 Tương lai của báo chí đang được định hình bởi Gen Z, thế hệ mà 50% đọc tin trên mạng xã hội và di động mỗi ngày. Các nhà lãnh đạo đều khẳng định sự cần thiết của việc tiếp cận giới trẻ ở nơi mà họ hiện diện, không ngừng đầu tư vào công nghệ, đa phương tiện và xây dựng đội ngũ nhân sự kép.

Nhanh, gọn, trực tiếp và tập trung vào chủ đề họ quan tâm

50% Gen Z hàng ngày nhận thông tin từ mạng xã hội và chỉ sử dụng điện thoại di động. Đây là số liệu từ khảo sát của Statista được ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), dẫn chứng. Ở Mỹ, con số này còn cao hơn với 79% người trẻ tuổi đọc tin tức hàng ngày. Tại Việt Nam, Gen Z chiếm gần 1/3 dân số, thông thạo và dễ dàng bắt kịp xu hướng công nghệ, tạo ra thói quen tiêu dùng kỹ thuật số hàng ngày khi tiếp cận tin tức. “Họ không chỉ tiêu thụ mà còn tham gia tích cực, thổi làn gió mới vào nền báo chí”, ông Duẩn nhận định.

Theo ông Duẩn, sự khác biệt lớn nhất của Gen Z so với các thế hệ trước là xu hướng vừa tạo ra nội dung vừa tiêu thụ. Họ chú trọng nhiều vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, du lịch và ưu tiên tiếp cận thông tin trên các nền tảng xã hội, đặc biệt là video, hình ảnh và báo chí đa phương tiện. Gen Z đánh giá cao sự cá nhân hóa, thích xem trực tuyến và nội dung có phụ đề.

 

Công nghệ cho phép người dùng và những người làm Báo Thanh Niên xích lại gần nhau bằng công cụ bình luận.

Nghiên cứu của Nic Newman trong Journalism, Media, and Technology Trends and Predictions 2024 cũng chỉ ra rằng các nền tảng dựa trên video, với nội dung ngắn và trực quan, đang làm thay đổi cách thức truyền thông. Mạng xã hội như Facebook, TikTok và Zalo đang chiếm lĩnh phần lớn thời gian của người dùng trẻ, khiến các kênh thông tin truyền thống mất đi sức ảnh hưởng. Gen Z thích tiếp cận sản phẩm truyền thông nhanh hơn, nhiều hơn, ngắn hơn, trực tiếp hơn và chủ yếu xoay quanh các chủ đề mà họ hứng thú.

Trước những yêu cầu và thách thức từ Gen Z, lãnh đạo các cơ quan báo chí nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ về thực tiễn tại tòa soạn: “Báo Thanh Niên đã đầu tư từ gần 10 năm nay các công cụ đo lường tiên tiến, có khả năng cung cấp được tương đối chính xác những thông số khác nhau về hiệu quả bài viết và “sức khoẻ”’ toàn trang”. Ông nhấn mạnh kết quả phân tích dữ liệu này phục vụ trực tiếp cho công tác quản trị nội dung. Trong mô hình tòa soạn số, những công cụ này phát huy hiệu quả cao nhất, đóng vai trò là chất liệu làm việc chung của nhiều bộ phận.

Về định dạng nội dung, các kênh video trên YouTube của Báo Thanh Niên đã khá thành công về mặt chỉ số tiếp cận. Dù chưa thể đo lường chính xác, ông Toàn cho biết đối tượng xem có tỷ lệ người trẻ cao hơn trên website thanhnien.vn. Ông cũng nhìn nhận hiệu suất này có thể cao hơn nữa nếu có điều kiện đẩy mạnh các định dạng riêng và tăng cường chất lượng thông tin trúng nhu cầu của lớp công chúng này.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức. Đó là bài toán cân bằng giữa thông tin chính thống với thông tin theo nhu cầu, giữa chi phí và hiệu quả kinh tế, giữa sáng tạo và chuẩn chỉnh. Ở góc độ quản lý báo chí, ông cho rằng cần có đánh giá đúng mức về vai trò của các kênh mạng xã hội của cơ quan báo chí để có ứng xử phù hợp trong các tình huống thông tin bị đẩy “nóng” lên và những tác động của chúng.

Để bắt kịp thế hệ công chúng mới, Báo Thanh Niên xác định cần có sự đầu tư chiến lược.“Ngay từ bây giờ, chúng tôi phải tính toán đầu tư trước hết vào công nghệ và nhân sự sử dụng các công nghệ đó”, ông Toàn chia sẻ. Ông thừa nhận đầu tư vào công nghệ rất tốn kém và hiệu quả không thể đo bằng doanh thu hay theo những thời hạn ngắn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thu hút và xây dựng được đội ngũ làm báo am hiểu 100% về nội dung và 100% về công nghệ. Ông tin tưởng rằng chính đội ngũ này, cùng với công chúng trẻ, sẽ tạo ra diện mạo tương lai của tin tức, trong đó báo chí chính thống vẫn giữ được vị thế của mình nhờ những giá trị cốt lõi.

Sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới mẻ

Nhìn về tương lai của ngành báo chí trong kỷ nguyên Gen Z, Tổng Biên tập VietnamPlus Trần Tiến Duẩn chỉ ra một thực tế rằng, tương lai của tin tức sẽ có nhiều thay đổi khi Gen Z - nhóm người dùng chiếm tỷ lệ lớn trên không gian số - trở thành độc giả chủ lực. Khi đó, các tòa soạn sẽ phải tăng cường khả năng tiếp cận và thu hút độc giả Gen Z thông qua website, các nền tảng kỹ thuật số phổ biến như Facebook, TikTok, YouTube, WhatsApp, Instagram.

“Trong bối cảnh đó, các tòa soạn phải tính toán lại phương thức sản xuất tin tức, từ việc thông tin phải bám sát xu hướng đến khâu kỹ thuật xử lý bài viết, ảnh, đồ họa tương tác, video. Để giữ chân độc giả Gen Z, nội dung thôi là chưa đủ; việc tạo dựng niềm tin cùng cách thể hiện và trình bày phù hợp với hành vi, thói quen của họ là cực kỳ quan trọng. Nếu không đủ tin tưởng, họ sẽ dễ dàng chuyển sang tờ báo khác”, ông Duẩn nhấn mạnh. Ông cũng chỉ ra rằng Gen Z dù là những con người của công nghệ, nhưng họ rất coi trọng sự kết nối con người, lựa chọn chính xác những gì mình muốn xem và có thể bình luận, tương tác.

 

VietnamPlus luôn là đơn vị đi đầu trong sáng tạo, đổi mới báo chí.

Theo ông Duẩn, việc này đồng thời yêu cầu gia tăng tiếng nói của Gen Z trong việc cung cấp tin tức và thúc đẩy sự tương tác để tiếp cận nhiều độc giả hơn, đa dạng hóa nội dung, trải nghiệm và cá nhân hóa lựa chọn. Các chiến dịch truyền thông phù hợp với sở thích và thói quen của Gen Z sẽ không chỉ giúp họ nhận diện thông tin đáng tin cậy mà còn hình thành thói quen tiêu dùng thông tin lành mạnh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các nguồn tin không kiểm chứng hoặc độc hại. Ông cũng khẳng định các tòa soạn cần xây dựng chiến lược nội dung trên các nền tảng, tối ưu hóa cách thức tiếp cận và áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tăng khả năng lan tỏa và tính hấp dẫn của thông tin chính thống đối với Gen Z.

Cách viết, cách thể hiện cũng phải thay đổi: ngắn gọn, tương tác cao, trải nghiệm mới. Đó có thể là cách kể những câu chuyện thời sự, xã hội hấp dẫn hơn, cũng như tăng cường viral trên khắp các nền tảng. Hình thức chuyển tải nội dung cũng cần thay đổi, từ các tin bài dài, nhiều chữ sang dạng sản phẩm đồ họa tương tác, video ngắn, các tác phẩm báo chí đa phương tiện, hướng đến sự độc đáo, sáng tạo. “Quan trọng nhất là các cơ quan báo chí phải sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới mẻ để giữ chân độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ”, ông Duẩn nhận định.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải